​ QUAN HỆ VIỆT NAM – LIÊN BANG NGA
    
​THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ LIÊN BANG NGA
Tên nước: - Liên bang Nga (Russian Federation)
Thủ đô: - Mát-xcơ-va (Moscow)
Quốc khánh: - 12 tháng 6 năm 1990 (Ngày Tuyên bố chủ quyền)
Vị trí địa lý: - Nằm ở phía Bắc Lục địa Á-Âu; phía Đông tiếp giáp Bắc Thái Bình Dương; phía Tây tiếp giáp với Đông và Bắc Âu; phía Bắc tiếp giáp với Bắc Băng Dương; phía Nam tiếp giáp với các nước Cáp-ca-dơ, Trung Á và Đông Bắc Á
Diện tích: - 17.075.400 km2 (chưa bao gồm Cờ-rưm 27.000 km2)
Khí hậu: - Cận Bắc Cực và Ôn đới; nhiệt độ trung bình năm: -1 độ C
Dân số: - 143.675.134 người (tính đến tháng 01/2014, chưa bao gồm Cờ-rưm – 2,4 triệu người)
Dân tộc: - Trên 180 dân tộc, trong đó người Nga chiếm 77,7%, người Tác-ta - 3,7%, người U-crai-na - 1,35%... (theo Tổng điều tra dân số 2010)
Ngôn ngữ: Tiếng Nga
Đơn vị tiền tệ: - Đồng Rúp (Rouble)
Tỷ giá: 60 Rúp = 1 USD (tháng 3/2015)
GDP: - Tăng 0,6% đạt 1.843 tỷ USD (năm 2014)
GDP/đầu người: - 14.316  USD (năm 2014; theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: - Cơ đốc giáo Chính thống (75% dân số), Hồi giáo (5% dân số) và các tôn giáo khác như Phật giáo, Do thái giáo, Tin lành… 
Mã điện thoại 007
Múi giờ GMT +3 đến GMT +10
Cơ cấu hành chính: Liên bang Nga chia làm 85 khu vực lãnh thổ - hành chính là chủ thể của Liên bang, gồm: 21 nước cộng hoà, 46 tỉnh, 01 tỉnh tự trị, 09 vùng, 4 khu tự trị, 03 thành phố trực thuộc TW là Mát-xcơ-va, Xanh Pê-téc-bua và Xê-va-xtô-pôn. Ngoài ra, nước Nga được chia thành 9 Đại khu Liên bang do các Đại diện toàn quyền của Tổng thống đứng đầu (bao gồm cả Cờ-rưm).
Lãnh đạo chủ chốt: - Tổng thống: V.V. Pu-tin (nhậm chức tháng 5/2012, nhiệm kỳ 6 năm);
                                - Thủ tướng Chính phủ: Đ.A. Mét-vê-đép (bổ nhiệm tháng 5/2012);
                                - Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện): V.I. Mát-vi-en-cô (bầu tháng 10/2014);
                                - Chủ tịch Đu-ma Quốc gia (Hạ viện): X.E. Na-rư-skin (bầu tháng 12/2011);
                                - Bộ trưởng Ngoại giao: X. La-vơ-rốp (được bổ nhiệm lại tháng 5/2012).
1. Khái quát lịch sử
- Từ thế kỷ thứ IX – giữa thế kỷ XIII: Nhà nước Nga – Ki-ép cổ đại hình thành ở khu vực Tây-Bắc nước Nga, một phần Bê-la-rút và U-crai-na ngày nay.
- Từ giữa thế kỷ XIII – cuối thế kỷ XV: Nga chịu ách thống trị Mông Cổ - Tác-ta; Công quốc Mát-xcơ-va tiến hành công cuộc thống nhất nước Nga.
- Thế kỷ XVI: Nhà nước Nga phong kiến, tập quyền được hình thành; mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam và phía Đông…, trước khi rơi vào “Thời kỳ đen tối”.
- Thế kỷ XVII: Năm 1612 triều đại Rô-ma-nốp ra đời, bắt đầu công cuộc chấn hưng nước Nga, sáp nhập Đông U-crai-na, Xi-bê-ri, Viễn Đông…
- Thế kỷ XVIII: Sa Hoàng Pie Đại đế tiến hành cải cách theo mô hình Châu Âu, dời thủ đô về Xanh Pê-téc-bua năm 1712. Sau khi chiến thắng Thụy Điển trong Chiến tranh phương Bắc năm 1721, Nga trở thành cường quốc ở Châu Âu; trong thế kỷ XVIII đã sáp nhập các vùng Ban-tích, Cờ-rưm, Tây U-crai-na, Bê-la-rút…
- Nửa đầu thế kỷ XIX: Sau khi chiến thắng Na-pô-lê-ông năm 1812-1814, vị thế của Nga được tăng cường; sáp nhập Ba-lan, Phần Lan…Tuy nhiên, sau đó dần tụt hậu và thất bại trong chiến tranh Cờ-rưm năm 1853-1856.
- Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX: Sa hoàng A-lếch-xan-đơ II tiến hành cải cách, xoá bỏ chế độ nông nô; Nga sáp nhập Trung Á, Môn-đô-va…Kinh tế Nga phát triển nhanh chóng, tuy nhiên tình hình chính trị - xã hội dần bất ổn. 1905 - 1907: Cách mạng Nga lần thứ nhất nổ ra. 1914-1917 Nga tham gia Đại chiến thế giới I. Tháng 11/1917 Cách mạng tháng Mười Nga thành công. 
- Thời kỳ Liên Xô: Liên bang Xô Viết (Liên Xô) được thành lập năm 1922. 1941-1945: Đức tấn công Liên Xô tháng 6/1942, Hồng quân Liên Xô chiếm Béc-lin tháng 5/1945, dành thắng lợi trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã góp phần quyết định kết thúc Đại chiến thế giới II, cứu loài người khỏi thảm họa phát xít. 
- Cuối thập niên 1980 - đầu 1990: Liên Xô rơi vào khủng hoảng kinh tế - chính trị sâu sắc, xu thế ly khai phát triển; ngày 12/6/1990, Nga tuyên bố chủ quyền; ngày 8/12/1991, Liên Xô chính thức bị tuyên bố giải thể; Liên bang Nga được công nhận là quốc gia kế tục Liên Xô.
2. Thể chế nhà nước và chế độ chính trị
 - Theo Hiến pháp năm 1993, Nga là Nhà nước Pháp quyền Dân chủ liên bang, gồm 83 chủ thể (nước cộng hòa, tỉnh, tỉnh tự trị…). Bộ máy nhà nước được tổ chức theo hình thức Cộng hòa Tổng thống, Tổng thống được trao nhiều quyền hạn. Sau khi sáp nhập Cờ-rưm và Xê-va-xtô-pôn vào tháng 3/2014, Nga có 85 chủ thể.
- Tổng thống Nga là người đứng đầu Nhà nước, được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 6 năm (áp dụng từ nhiệm kỳ Tổng thống năm 2012; trước đó nhiệm kỳ Tổng thống là 4 năm). Quyền hạn: là Tổng tư lệnh tối cao; lãnh đạo đối ngoại đất nước; bổ nhiệm Thủ tướng khi được Đu-ma Quốc gia chấp thuận; giới thiệu Hội đồng Liên bang bổ nhiệm các chức danh Chánh án các tòa án cấp cao, Chánh công tố; có quyền giải tán Chính phủ và Đu-ma Quốc gia; có quyền giới thiệu và cách chức người đứng đầu các chủ thể Liên bang… 
- Quốc hội là cơ quan dân biểu và lập pháp tối cao, được tổ chức theo hình thức lưỡng viện gồm Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Đu-ma Quốc gia (Hạ viện):
+ Hội đồng Liên bang gồm 167 đại biểu đại diện cho 85 chủ thể liên bang. Quyền hạn: phê duyệt thay đổi địa giới các chủ thể; phê duyệt sắc lệnh Tổng thống về ban bố tình trạng chiến tranh và khẩn cấp; bổ nhiệm Chánh án các tòa án cấp cao, Chánh công tố theo giới thiệu của Tổng thống; thông qua luật liên bang… 
+ Đu-ma Quốc gia có 450 đại biểu, trong đó 225 đại biểu được bầu theo danh sách đảng (số ghế đại biểu được phân chia theo tỷ lệ phiếu bầu cho từng đảng) và 225 đại biểu được bầu theo danh sách khu vực (phân chia theo tỷ lệ dân số từng khu vực), từ 2011 có nhiệm kỳ 5 năm (trước đó có nhiệm kỳ 4 năm). Quyền hạn: phê duyệt sắc lệnh của Tổng thống về bổ nhiệm Thủ tướng; bổ nhiệm và bãi nhiệm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương; bổ nhiệm và bãi nhiệm Tổng kiểm toán; thông qua ngân sách liên bang; thông qua luật liên bang… Bốn đảng có đại biểu tại Đu-ma Quốc gia (theo kết quả bầu cử năm 2011) gồm:
 - Đảng Nước Nga thống nhất (đảng chính quyền) có 238 ghế tại Đu-ma. Chủ tịch Đảng là Thủ tướng Mét-vê-đép (bầu ngày 26/05/2012).
 - Đảng Cộng sản Liên bang Nga có 92 ghế tại Đu-ma. Chủ tịch Đảng là G. Diu-ga-nốp.
 - Đảng Nước Nga công bằng có 64 ghế. Chủ tịch Đảng là X. Mi-rô-nốp.
 - Đảng Dân chủ Tự do có 56 ghế. Chủ tịch Đảng là V. Gi-ri-nốp-xki.
- Chính phủ là cơ quan hành pháp liên bang tối cao, gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng. Thủ tướng được Tổng thống bổ nhiệm với sự đồng ý của Đu-ma Quốc gia. Quyền hạn: dự thảo và trình Đu-ma Quốc gia ngân sách liên bang và thực hiện ngân sách; thực hiện chính sách nhất quán về tài chính, tín dụng và  tiền tệ; quản lý tài sản liên bang…(Chính phủ hiện hành gồm có 8 Phó Thủ tướng và 23 Bộ trưởng).
3. Tình hình chính trị - xã hội
Từ khi Tổng thống Nga V. Pu-tin lên cầm quyền (năm 2000), tình hình chính trị - xã hội Nga dần đi vào ổn định, kinh tế phục hồi và phát triển. Vai trò của Nhà nước và chính quyền Trung ương được tăng cường, xu thế ly khai bị đẩy lùi, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. 
 Nga triển khai các biện pháp nhằm cải cách hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, chấn chỉnh quan hệ Trung ương - địa phương; trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo địa phương; chống tham nhũng… Với chủ trương hiện đại hóa toàn diện đất nước, Nga tiếp tục tiến hành cải cách trên nhiều lĩnh vực như hành chính, an ninh và quốc phòng, đồng thời dành ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội thông qua việc triển khai các Dự án ưu tiên quốc gia về dân số, y tế, giáo dục và nhà ở…Tuy nhiên, Nga cũng phải đối mặt với một số nguy cơ bất ổn như tình trạng suy giảm dân số, chủ nghĩa khủng bố, tình hình bất ổn tại Bắc Cáp-ca-dơ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan…
Năm 2012 đánh dấu sự quay trở lại vị trí lãnh đạo cao nhất đất nước của ông V. Pu-tin vào tháng 3/2012. Ông Mét-vê-đép đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng và bầu làm Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất. Chính quyền Tổng thống V. Pu-tin đã một mặt triển khai các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường kiểm soát các tổ chức phi chính phủ nhằm củng cố ổn định xã hội và hạn chế sự can thiệp từ bên ngoài, từng bước tiến hành dân chủ hoá đời sống chính trị tại Nga. 
Sau sự kiện Nga sáp nhập Cờ-rưm và Xê-va-xtô-pôn vào tháng 3/2014 và khủng hoảng tiếp diễn tại miền Đông U-crai-na, tình hình chính trị nội bộ Nga cơ bản ổn định nhưng gặp nhiều khó khăn. Mỹ, EU và một số nước phương Tây khác đang áp đặt lệnh cấm vận và trừng phạt Nga, đã khai trừ Nga khỏi G-8, cô lập Nga tại các diễn đàn quốc tế, cấm nhập cảnh với nhiều quan chức và doanh nghiệp Nga khiến quan hệ Nga với phương Tây căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.
4. Tình hình kinh tế
Trong giai đoạn 2000-2008, GDP của Nga tăng trung bình khoảng 7%/năm; do tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, năm 2010 chỉ tăng 4%, năm 2011 - 4,2%, năm 2012 - 3,4%.
Trước ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu và đà suy giảm từ cuối năm 2012, tốc độ tăng trưởng có chiều hướng chậm lại, GDP năm 2013 chỉ đạt 1,3 %. Năm 2014, việc Nga bị Mỹ, EU và các nước phương Tây cấm vận về kinh tế - tài chính (phong tỏa tài sản của nhiều cá nhân và tổ chức, ngừng cấp tín dụng) cùng với giá dầu giảm kỷ lục trong vòng 6 năm qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Nga. GDP năm 2014 tăng 0,6% đạt 1.843 tỷ USD, sản xuất công nghiệp tăng 1,7%, lạm phát tăng 11,4%, đầu tư cơ bản giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2013, dự trữ ngoại tệ tính đến 20/3/2015 đạt 352,9 tỷ USD, là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2007.
Cơ cấu kinh tế Nga dựa nhiều vào khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên, với các ngành kinh tế chính là: dầu khí, khai khoáng, luyện kim, chế tạo máy, hóa chất… Nga là quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 thế giới về sản xuất khí đốt, và giữ một trong những vị trí hàng đầu về sản xuất thép, kim loại màu, phân bón…
Nga có nhiều tập đoàn kinh tế lớn như Gazprom, Lukoil, Rosneft (dầu khí); Norilsk Nikel, Rusal, Severstal (luyện kim)…
Thương mại: Chính sách thương mại của Nga vẫn mang tính bảo hộ cao, đặc biệt đối với các mặt hàng nhạy cảm như ô-tô, sắt, thép và nông sản… Năm 2012, kim ngạch thương mại đạt hơn 900 tỷ USD (xuất khẩu đạt 542,5 tỷ USD, nhập khẩu – 358,1 tỷ USD, xuất siêu 184,4 tỷ USD). Năm 2013 đạt 844,2 tỷ USD (xuất khẩu đạt 526,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt 317,8 tỷ USD). Do bị ảnh hưởng của lệnh cấm vận và trừng phạt của Mỹ và phương Tây, năm 2014 kim ngạch ngoại thương đạt 802 tỷ USD (xuất khẩu đạt 494 tỷ USD, nhập khẩu đạt 308 tỷ USD), giảm 5% so với cùng kỳ năm 2013. 
Các đối tác thương mại chính của Nga là EU, Trung Quốc…Các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga gồm dầu mỏ và khí đốt, máy móc và thiết bị, sản phẩm kim loại, vũ khí, phân bón...Các mặt hàng nhập khẩu chính của Nga gồm máy móc và thiết bị, ô-tô, nông sản, hàng may mặc...
Nga tham gia nhóm các nước công nghiệp phát triển nhanh BRICS, là thành viên Liên minh Hải quan với Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan (từ 01/1/2010), hoàn thành đàm phán và gia nhập WTO tháng 8/2012, là thành viên của Liên minh Kinh tế Á – Âu (Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-nia, Cư-rơ-gư-xtan) từ 01/01/2015.
Chính sách ODA Viện trợ phát triển (ODA) duy trì ở mức 500 triệu USD/năm, trong đó hầu hết là thông qua các cơ chế đa phương và vào mục đích xóa đói, chống dịch bệnh … 
Theo “Luận điểm về sự tham gia của Nga vào hỗ trợ phát triển quốc tế” thông qua tháng 11/2007, Nga đặt mục tiêu dành 0,7% GDP cho viện trợ phát triển, trong đó 70% cho mục đích song phương và 30% cho mục đích đa phương. Thứ tự khu vực được Nga ưu tiên viện trợ như sau: SNG, Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Phi, Trung Đông và Bắc Phi, Mỹ La-tinh. Thứ tự lĩnh vực được Nga ưu tiên viện trợ: năng lượng (đặc biệt là điện năng), y tế, giáo dục…
Tuy nhiên, đến nay Nga chưa có các thể chế và quy định pháp lý để thực hiện Luận điểm này. Nga đang xem xét, thành lập Cơ quan viện trợ phát triển, tương tự như nhiều nước khác trên thế giới.
5. Chính sách đối ngoại
Nga là một trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên G20, BRICS và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực khác. Nga đã thông qua Học thuyết đối ngoại mới vào tháng 2/2013 với nền tảng là chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ, cởi mở trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia và tôn trọng luật pháp quốc tế; có thể dự báo trước, thực dụng, nhất quán, kế thừa; phát huy vai trò là nhân tố cân bằng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và quá trình phát triển nền văn minh thế giới.
Cuộc khủng hoảng chính trị U-crai-na và việc Nga sáp nhập Cờ-rưm và Xê-va-xtô-pôn năm 2014 đang tác động mạnh đến quan hệ đối ngoại của Nga. Quan hệ Nga với Mỹ và các nước phương Tây xấu nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh tới nay, trong khi đó quan hệ với Trung Quốc được nâng lên tầm cao mới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và hợp tác năng lượng, Nga tăng cường thúc đẩy hợp tác nội khối SNG, nhưng quan hệ Nga - U-crai-na khủng hoảng trầm trọng. 
Khu vực SNG là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga, với trọng tâm là tăng cường liên kết khu vực. Nga giữ vai trò hạt nhân trong các tổ chức khu vực như SNG, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (ODKB), Liên minh Kinh tế Á – Âu (gồm Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-nia và Cư-rơ-gư-xtan); có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước SNG. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị tại U-crai-na và việc sáp nhập Cờ-rưm và Xê-va-xtô-pôn vào Nga đã khiến quan hệ Nga – U-crai-na xấu nhất kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, U-crai-na coi Nga đã xâm chiếm lãnh thổ, thúc đẩy phong trào ly khai tại các tỉnh miền Đông.
Quan hệ Nga – Mỹ: trong nhiều năm gần đây là hợp tác (trong quan hệ song phương và một số vấn đề toàn cầu), cạnh tranh và kiềm chế lẫn nhau (về vai trò và vị thế trên trường quốc tế). Bên cạnh các mâu thuẫn từ trước như quyền con người (Luật Ma-gờ-nhít-xki của Mỹ và Luật I-a-cốp-lép của Nga), hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại Châu Âu (dù Mỹ đã tuyên bố dừng triển khai giai đoạn tiếp theo của NMD), triển vọng mở rộng NATO, tình hình Xi-ri …, quan hệ hai nước căng thẳng nhất kể từ sau chiến tranh lạnh đến nay liên quan đến khủng hoảng chính trị tại U-crai-na và việc sáp nhập Cờ-rưm và Xê-va-xtô-pôn vào Nga. Hai Bên áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt lẫn nhau cả về chính trị lẫn kinh tế nhưng vẫn để ngỏ đối thoại chính trị, tránh đổ vỡ và đối đầu trực tiếp.
Quan hệ Nga – EU trong 10 năm trở lại đây phát triển tích cực, xu hướng hợp tác mang tính chủ đạo, hướng tới mục tiêu hình thành các “không gian chung” về kinh tế, an ninh, giáo dục, khoa học và văn hóa; đồng thời triển khai các sáng kiến mới như Chương trình Đối tác vì hiện đại hóa…; Nga đẩy mạnh quan hệ, tranh thủ các đối tác truyền thống như Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha…; đồng thời cải thiện quan hệ với một số nước như Ba Lan, Anh. Sau khủng hoảng chính trị tại U-crai-na và việc sáp nhập Cờ-rưm và Xê-va-xtô-pôn vào Nga quan hệ Nga – EU bị đóng băng và các biện pháp trừng phạt, đặc biệt về kinh tế đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Nga cũng như ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế bắt đầu khởi sắc tại EU. 
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại Nga. Nga tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác khu vực như APEC, Cấp cao Nga – ASEAN, EAS, ARF, ASEM, ADMM+…; tăng cường hợp tác song phương với các nước trong khu vực (đặc biệt Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam), khai thác thế mạnh về năng lượng, kỹ thuật – quân sự. 
Quan hệ Nga – Trung tiếp tục phát triển tích cực, nhất là trong bối cảnh Nga bị các nước phương Tây cô lập. Hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất hơn trên các lĩnh vực năng lượng, kỹ thuật quân sự cũng như các lĩnh vực nhiều dư địa như đầu tư, tài chính, cơ sở hạ tầng. Quan hệ Nga - Nhật sau thời gian qua ấm dần lên khi hai bên tăng cường hợp tác kinh tế và nối lại đàm phán về Hiệp ước hòa bình đã chững lại từ đầu năm 2014 do Nhật Bản thực hiện chính sách cấm vận trừng phạt Nga do vấn đề U-crai-na. Quan hệ Nga - Ấn Độ được tăng cường, lập trường của Ấn Độ đối với khủng hoảng U-crai-na vừa qua tỏ rõ sự thực dụng, không để phương Tây hay Nga tác động đến chính sách đối ngoại, thúc đẩy quan hệ với các nước dựa trên lợi ích quốc gia. Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. 
 Quan hệ giữa Nga với Trung Đông, Mỹ La Tinh và Châu Phi tiếp tục được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. 
  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​